- Thai máy là gì?
Thai máy, còn gọi là cử động thai, là những cử động của thai nhi trong bụng mẹ như đạp chân, vươn vai, vặn mình, quơ tay… Những cử động này không chỉ mang lại cảm xúc đặc biệt, giúp mẹ cảm nhận rõ sự tồn tại của em bé, mà còn là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường.
2. Khi nào xuất hiện thai máy?
Khi đã biết được thai máy là hiện tượng như thế nào, nhiều mẹ sẽ quan tâm về thời điểm xuất hiện của nó.
Vào khoảng tuần thứ tám của thai kỳ, em bé đã bắt đầu có những cử động đầu tiên, và mẹ có thể quan sát thấy những cử động này khi siêu âm từ tuần thứ mười một đến mười ba. Tuy nhiên, vì các cơ quan chức năng của thai nhi chưa hoàn thiện và khối lượng của thai còn rất nhỏ nên mẹ khó có thể cảm nhận được. Thông thường, đến tuần thứ mười tám đến hai mươi của thai kỳ, khi thai nhi đã phát triển rõ rệt hơn, mẹ mới có thể cảm nhận các cử động này một cách rõ ràng.
Các yếu tố ảnh hưởng đến thời điểm mẹ bầu cảm nhận được thai máy:
- Cơ địa của mẹ: Nhiều mẹ bầu có thể cảm nhận được cử động thai sớm từ khoảng mười sáu tuần (đặc biệt là với những người đã từng mang thai) và muộn hơn, vào khoảng tuần hai mươi hai, đối với những mẹ mang thai lần đầu.
- Vị trí của nhau thai: Nếu nhau thai bám mặt trước, mẹ sẽ cảm nhận thai máy muộn hơn. Ngược lại, nếu nhau thai bám mặt sau, mẹ sẽ cảm nhận được các cử động của thai nhi sớm hơn.
- Độ dày thành bụng của mẹ: Những mẹ có thành bụng dày sẽ khó nhận biết các cử động của thai nhi hơn so với những mẹ có thành bụng mỏng.
Một số người nghĩ rằng thai bé trai sẽ cử động sớm hơn thai bé gái vì bé trai thường hiếu động hơn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này, nên mẹ không nên dựa vào thời điểm cảm nhận thai máy để xác định giới tính của em bé.
3. Dấu hiệu nhận biết thai máy bình thường
Để theo dõi sự phát triển của thai nhi, mẹ cần biết các dấu hiệu thai máy sau:
Cảm nhận thai máy
Cảm nhận thai máy khác nhau ở mỗi mẹ bầu. Một số mẹ cảm thấy nhẹ nhàng như tôm búng, cá quẫy, bướm bay; trong khi một số khác lại cảm giác như có gì đó đang sôi lục bục trong bụng. Cách nhận biết thai máy bình thường gồm các giai đoạn:
Giai đoạn đầu (tuần 7 – 8): Các cử động của bé rất nhẹ nên mẹ chưa thể cảm nhận. Mẹ không cần lo lắng, chỉ cần khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giai đoạn rõ ràng (tuần 16 – 22): Mẹ bắt đầu cảm nhận rõ các cú đạp, quẫy hay vươn vai của bé.
Giai đoạn mạnh mẽ (tuần 30 – 38): Thai máy liên tục với các cử động như đạp, xoay trở mình, vặn người… Mẹ có thể thấy bụng mình trồi lên rồi tĩnh lại sau các cú đạp của bé.
Thời gian thai máy trong ngày
Thai nhi thường chuyển động vào các thời điểm khác nhau trong ngày, tùy thuộc vào môi trường và hoạt động của mẹ. Từ tuần 16, em bé phát triển mạnh mẽ và dần hoàn thiện các cơ quan nên sẽ có xu hướng thai máy nhiều hơn vào các thời điểm sau:
- Sau khi mẹ ăn no, tiêu thụ đồ ngọt hoặc uống nước lạnh.
- Khi mẹ ở trong môi trường có ánh sáng mạnh hoặc âm thanh lớn.
- Khi mẹ nằm nghiêng sang trái.
- Thai đạp nhiều, cử động rõ ràng hơn vào ban đêm, đặc biệt từ 21 giờ đêm đến 1 giờ sáng.
Mẹ có thể không cảm nhận được cử động thai khi bận rộn, làm việc tập trung hoặc khi bé ngủ. Thời gian ngủ của bé thường khoảng 20 – 40 phút và rất ít khi ngủ quá 90 phút.
Số cử động thai
Số cử động trung bình của thai nhi là từ 16 đến 45 lần mỗi ngày, và khoảng cách tối đa giữa các lần cử động là từ 50 đến 75 phút.
Càng về cuối thai kỳ, số lần thai máy trung bình trong một giờ khi thai hoạt động là khoảng 31 lần, vì thai nhi phát triển lớn hơn và không gian trong tử cung ngày càng chật chội, nên bé ít đạp hơn.
Hướng dẫn đếm cử động thai mẹ cần biết
Tần suất thai máy phụ thuộc vào nhịp sinh học của từng bé. Bé càng lớn thì càng có nhiều cử động. Để đánh giá chính xác thai máy bình thường, mẹ cần theo dõi và đếm cử động thai trong 2 tháng cuối của thai kỳ.
Cách thực hiện như sau:
- Chọn một thời điểm nhất định trong ngày, tốt nhất là sau khi ăn no.
- Đi vệ sinh trước khi tiến hành đếm cử động thai để làm trống bàng quang.
- Đặt tay lên bụng để cảm nhận và đếm số đợt cử động của thai nhi (đá, đấm, xoay, cuộn) trong vòng một giờ.
- Đếm số cử động thai từ 2 – 3 lần mỗi ngày và trong những khung giờ cố định (sáng, trưa, chiều hoặc tối).
Thai máy như thế nào là bất thường?
Thông thường, một thai nhi khỏe mạnh sẽ có ít nhất bốn cử động trong mỗi giờ.
Nếu thấy tần suất thai máy ít hơn 4 cử động/giờ, mẹ nên nằm nghỉ và đếm lại trong vòng một giờ hoặc 2 – 4 giờ tiếp theo. Nếu sau thời gian này, thai nhi có ít hơn 10 cử động thai và mẹ xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, xuất huyết âm đạo, hay co thắt tử cung…, mẹ cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ kiểm tra.
Các câu hỏi thường gặp
Thai máy ở vị trí nào trên bụng? Các cử động như đạp, đá chân, xoay người, lộn nhào… của thai nhi có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong bụng mẹ. Tuy nhiên, thai máy chủ yếu sẽ tập trung ở phần bụng bên trái và phần bụng dưới.
Thai máy có đau không? Những cú đạp của thai nhi thông thường không gây đau, trừ khi bé đạp mạnh và liên tục có thể khiến mẹ khó chịu. Tuy nhiên, mẹ cần phân biệt cử động thai với cơn gò tử cung, vì gò tử cung gây đau âm ỉ vùng xương chậu, trong khi thai máy chỉ cảm nhận ở một vùng bụng.
Thai máy liên tục có sao không? Thai nhi đạp nhiều thường là dấu hiệu tốt hơn so với thai nhi ít vận động. Tuy nhiên, nếu bé đạp nhiều hơn 20 lần chỉ trong thời gian ngắn, mẹ cần đi khám ngay để được kiểm tra kịp thời.
Cử động thai không chỉ giúp mẹ cảm nhận rõ sự hiện hữu của em bé mà còn là một cách để đánh giá sức khỏe thai thuận tiện, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ. Hy vọng qua những chia sẻ trên, mẹ đã hiểu rõ thai máy là gì và các dấu hiệu nhận biết, từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất để con yêu chào đời thật khỏe mạnh.